» Các loại hình doanh nghiệp kiểm toán
» Điều kiện thành lập doanh nghiệp kiểm toán
» Hồ sơ thành lập doanh nghiệp kiểm toán
» Thủ tục xin cấp Giấy chứng nhận dịch vụ kiểm toán
Ngày 29/03/2011, Luật Kiểm toán độc lập số 67/2011/QH12 đã được Quốc hội thông qua, thể hiện sự quan tâm của Nhà nước tạo điều kiện thành lập doanh nghiệp kiểm toán độc lập cho các cá nhân, tổ chức. Từ đó, hàng trăm công ty kiểm toán độc lập đã ra đời, nhưng để đáp ứng đủ nhu cầu về kiểm toán của các doanh nghiệp Việt Nam thì đó như “muối bỏ bể”. Bạn có thể Tải file Luật Kiểm toán độc lập tại: https://ketoansaigon.net/upload/file/Luat-Kiem-toan-doc-lap_L67QH.DOC
Doanh nghiệp kiểm toán độc lập đưa ra các ý kiến, đánh giá khách quan về tính hiệu quả trong kinh doanh dựa trên các số liệu của doanh nghiệp, giúp chủ doanh nghiệp, nhà đầu tư kịp thời phát hiện ra các thiếu sót hay sai lệch về số liệu tài chính nhằm có sự điều chỉnh quy trình quản lý, phương án đầu tư hiệu quả hơn.
Điều 20 của Luật Kiểm toán độc lập quy định các loại doanh nghiệp kiểm toán và chi nhánh doanh nghiệp kiểm toán nước ngoài tại Việt Nam, chi tiết như sau:
1. Các loại doanh nghiệp sau đây được kinh doanh dịch vụ kiểm toán:
1.1. Công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên
1.2. Công ty hợp danh
1.3. Doanh nghiệp tư nhân
2. Chi nhánh doanh nghiệp kiểm toán nước ngoài tại Việt Nam được kinh doanh dịch vụ kiểm toán theo quy định của pháp luật.
3. Doanh nghiệp, chi nhánh doanh nghiệp không đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kiểm toán thì không được sử dụng cụm từ “kiểm toán” trong tên gọi.
4. Doanh nghiệp kiểm toán không được góp vốn để thành lập doanh nghiệp kiểm toán khác, trừ trường hợp góp vốn với doanh nghiệp kiểm toán nước ngoài để thành lập doanh nghiệp kiểm toán tại Việt Nam.
* Mã ngành đăng ký kinh doanh dịch vụ kiểm toán:
692 – 6920 – 69200: Hoạt động liên quan đến kế toán, kiểm toán và tư vấn về thuế
Nhóm mã ngành này, công ty kiểm toán được phép hoạt động kinh doanh các dịch vụ kiểm toán như sau:
- Bản ghi giao dịch thương mại từ người kinh doanh
- Các công việc chuẩn bị hoặc kiểm toán các tài khoản tài chính
- Kiểm tra các tài khoản và chứng nhận độ chính xác của chúng
- Các công việc chuẩn bị thuế thu nhập cá nhân và thu nhập kinh doanh
- Hoạt động tư vấn và đại diện (trừ đại diện pháp lý) thay mặt khách hàng trước cơ quan thuế.
Loại trừ (công ty kiểm toán không được phép kinh doanh):
- Hoạt động chế biến dữ liệu và lập bảng được phân vào nhóm 63110 (Xử lý dữ liệu, cho thuê và hoạt động liên quan)
- Tư vấn quản lý như thiết kế hệ thống kiểm toán, chương trình chi phí kiểm toán, cơ chế điều khiển quỹ được phân vào nhóm 70200 (Hoạt động tư vấn quản lý)
- Thu thập hối phiếu được phân vào nhóm 82910 (Dịch vụ hỗ trợ thanh toán, tín dụng).
Việc tìm hiểu các điều kiện thành lập doanh nghiệp kiểm toán độc lập đầy đủ nhất sẽ giúp bạn dễ dàng hơn trong việc tiếp cận và xin giấy phép hoạt động.
1. Điều kiện thành lập doanh nghiệp kiểm toán
1.1. Phải có ít nhất 5 nhân viên kiểm toán có giấy phép hành nghề trở lên, trong đó:
- Đối với loại hình công ty TNHH 2 thành viên trở lên: Quy định bắt buộc người đại diện pháp luật công ty phải có giấy phép hành nghề kiểm toán và tối thiểu có 2 thành viên góp vốn có giấy phép hành nghề kiểm toán.
- Đối với loại hình công ty hợp danh: Quy định bắt buộc người đại diện pháp luật công ty phải có giấy phép hành nghề kiểm toán và tối thiểu có 2 thành viên hợp danh có giấy phép hành nghề kiểm toán.
- Đối với loại hình doanh nghiệp tư nhân: Quy định bắt buộc chủ doanh nghiệp tư nhân phải có giấy phép hành nghề kiểm toán.
1.2. Chủ của doanh nghiệp tư nhân, người đại diện theo pháp luật của công ty hợp danh và công ty TNHH 2 thành viên trở lên phải là người có đầy đủ quyền công dân và năng lực hành vi dân sự.
1.3. Riêng loại hình công ty TNHH bắt buộc đăng ký vốn điều lệ tối thiểu 5 tỷ đồng và phải đảm bảo duy trì được khoản vốn này trong suốt quá trình hoạt động. Tổng vốn góp của các thành viên là tổ chức tối đa 35% vốn điều lệ của công ty.
1.4. Ngoài giấy phép đăng ký kinh doanh, doanh nghiệp kiểm toán còn phải xin cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kiểm toán mới được hoạt động kinh doanh dịch vụ kiểm toán.
2. Điều kiện thành lập chi nhánh doanh nghiệp kiểm toán nước ngoài tại Việt Nam
Chi nhánh doanh nghiệp kiểm toán nước ngoài tại Việt Nam khi đề nghị cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kiểm toán phải có đủ các điều kiện sau đây:
2.1. Doanh nghiệp kiểm toán nước ngoài được phép cung cấp dịch vụ kiểm toán độc lập theo quy định của pháp luật của nước nơi doanh nghiệp kiểm toán nước ngoài đặt trụ sở chính.
2.2. Có ít nhất hai kiểm toán viên hành nghề, trong đó có Giám đốc hoặc Tổng giám đốc chi nhánh.
2.3. Giám đốc hoặc Tổng giám đốc chi nhánh doanh nghiệp kiểm toán nước ngoài không được giữ chức vụ quản lý, điều hành doanh nghiệp khác tại Việt Nam.
2.4. Doanh nghiệp kiểm toán nước ngoài phải có văn bản gửi Bộ Tài chính bảo đảm chịu trách nhiệm về mọi nghĩa vụ và cam kết của chi nhánh doanh nghiệp kiểm toán nước ngoài tại Việt Nam.
2.5. Doanh nghiệp kiểm toán nước ngoài phải bảo đảm duy trì vốn không thấp hơn mức vốn pháp định theo quy định của Chính phủ.
Hồ sơ thành lập doanh nghiệp kiểm toán gồm:
- Văn bản đề nghị đăng ký thành lập doanh nghiệp.
- Danh sách các thành viên góp vốn (đối với công ty TNHH) / thành viên hợp danh (đối với công ty hợp danh) đã được ký tên đầy đủ.
- Điều lệ hoạt động của doanh nghiệp / công ty
- Văn bản xác nhận vốn pháp định (đối với công ty TNHH)
- Bản sao công chứng 5 chứng chỉ hành nghề kiểm toán
- Bản sao công chứng CMND hoặc CCCD hoặc Passport còn hiệu lực của thành viên là cá nhân.
- Bản sao công chứng Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp của thành viên là tổ chức.
* Nơi nộp hồ sơ: Phòng Đăng ký kinh doanh - Sở Kế hoạch và Đầu tư.
Thủ tục và Hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kiểm toán gồm:
1. Đơn đề nghị cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kiểm toán theo mẫu quy định tại Thông tư 203/2012/TT-BTC. Bạn có thể tải mẫu đơn tại: https://ketoansaigon.net/upload/file/Thong-tu-203_2012_TT-BTC.pdf
2. Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc Giấy chứng nhận đầu tư.
3. Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký hành nghề kiểm toán của các kiểm toán viên hành nghề.
4. Hợp đồng lao động làm toàn bộ thời gian của các kiểm toán viên hành nghề theo mẫu quy định tại Thông tư 203/2012/TT-BTC. Bạn có thể tải mẫu hợp đồng tại: https://ketoansaigon.net/upload/file/Thong-tu-203_2012_TT-BTC.pdf
5. Tài liệu chứng minh về vốn góp đối với công ty trách nhiệm hữu hạn.
6. Bản sao Quyết định của Hội đồng thành viên về việc bổ nhiệm chức danh Giám đốc (Tổng Giám đốc) đối với công ty TNHH, công ty hợp danh.
7. Bản sao Điều lệ công ty.
8. Danh sách các tổ chức, cá nhân góp vốn, danh sách thành viên hợp danh theo mẫu quy định tại Thông tư 203/2012/TT-BTC. Bạn có thể tải mẫu danh sách tại: https://ketoansaigon.net/upload/file/Thong-tu-203_2012_TT-BTC.pdf
* Nơi nộp hồ sơ: Bộ Tài chính
Nếu thỏa mãn các điều kiện theo quy định nêu trên, các bạn có thể chuẩn bị hồ sơ để đăng ký thành doanh nghiệp kiểm toán và xin cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kiểm toán. Nếu bạn cần tư vấn chuyên sâu về thành lập doanh nghiệp kiểm toán, vui lòng liên hệ Kế toán Sài Gòn để được giải đáp và thực hiện nhanh chóng.
Đội ngũ tư vấn thành lập doanh nghiệp của Kế toán Sài Gòn
Tư vấn khách hàng đăng ký thành lập doanh nghiệp tại Kế toán Sài Gòn